Hàng trăm ngàn điện thoại di động của người dùng hiện bị nhiễm các loại mã độc tự động gửi tin nhắn SMS đến đầu số tính phí. Kết quả là hàng tỉ đồng tiền trong tài khoản người dùng không cánh mà bay.
Công ty An ninh
mạng Bkav vừa cho biết có đến hơn 22,7% smartphone ở Việt Nam từng bị
lây nhiễm mã độc. Trong đó, riêng mã độc gửi tin nhắn tới đầu số dịch vụ
nội dung có thu phí đã gây tổn thất lên tới hàng tỉ đồng mỗi ngày cho
người dùng.
Bị “móc túi” mà chẳng hay
Mỗi ngày, khoảng
262.000 điện thoại di động (ĐTDĐ) bị nhiễm loại mã độc gửi tin nhắn SMS
đến đầu số tính phí. Đây là các đầu số thu phí 15.000 đồng/tin nhắn.
Tính ra, mỗi ngày, người dùng ĐTDĐ ở Việt Nam bị “móc túi” 3,9 tỉ đồng.
Người dùng điện thoại di động cần hết sức cảnh giác khi cài đặt các ứng dụng để tránh mất tiền oan
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Các loại mã độc này
được “nhúng” sẵn vào trong các ứng dụng và được tung lên mạng. Khi lừa
được người dùng cài đặt, mã độc sẽ tự động gửi tin nhắn đến các đầu số
dịch vụ GTGT (CP) với các cú pháp tin nhắn được cài sẵn. Kết quả điều
tra cho thấy mức độ thiệt hại của người dùng là rất lớn nhưng đa phần họ
đều không biết mình bị mất tiền bởi các tin nhắn này được gửi đi âm
thầm.
Theo các chuyên gia,
điều đáng lo ngại là nhiều người dùng không để ý kiểm tra tài khoản hoặc
vì là thuê bao trả sau nên khi bị trừ tiền, họ gần như hoàn toàn không
hay biết.
Mới đây, ngày 29/4,
Công an TP Hà Nội đã triệt phá một nhóm sử dụng phần mềm gián điệp tự
động nhắn tin đến các đầu số CP để chiếm đoạt tiền của nhiều thuê bao
ĐTDĐ. Các nghi phạm bị bắt - gồm Hà Xuân Tiến, Nguyễn Đức Lực, Nguyễn
Văn Tú - nhân viên Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng - Thương mại Soloha và
Trần Ngọc Hải, chủ sở hữu website adrocket.vn.
Thủ đoạn của nhóm này
là lập ra các website phân phối ứng dụng Android (adrocket.vn,
soundfest.com.vn và clickdi.com). Khi chủ thuê bao dùng smartphone sử
dụng hệ điều hành Android cài đặt các ứng dụng tải về từ các trang này
vào máy, ứng dụng tự động sẽ gửi tin nhắn ngầm đến các CP với mức phí
15.000 đồng. Sau đó, nhóm lừa đảo sẽ được phân chia lại lợi nhuận với
các đầu số CP từ tiền nhắn tin thu được. Bằng thủ đoạn này, từ đầu năm
2014 đến nay, nhóm này đã thu lợi 850 triệu đồng.
Để tìm hiểu về cách
thức hoạt động của mã độc này, chúng tôi đã nhờ các chuyên gia tại Trung
tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP HCM thực nghiệm cụ thể. Các chuyên
gia đã tiến hành cài đặt những ứng dụng di động được “nhúng” sẵn mã độc
lên một smartphone. Khi kích hoạt thiết bị smartphone đã cài đặt chương
trình bị nhiễm mã độc có nhắn tin tự động (ví dụ nhắn tin đến đầu số
8xxx), các chuyên gia khởi động chương trình và sử dụng thì mã độc tự
động này kết nối với tổng đài và nhắn một mẫu tin đến tổng đài dịch vụ.
Khi nhận được tin nhắn
từ smartphone, tổng đài sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của chủ thuê
bao ĐTDĐ mà không ai hay biết. Quá trình này có thể thực hiện nhiều lần
trong một ngày, số tiền bị trừ sẽ từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng, tùy
đầu số tổng đài mà mã độc đã nhắn tin đến. Như vậy, có thể thấy rõ các
loại mã độc tồn tại trong các phần mềm, game cài trên di động đã “móc
túi” tài khoản của người dùng một cách dễ dàng và âm thầm.
Lý giải cho việc vì sao
người dùng dễ bị mất tiền oan như vậy, các chuyên gia Bkav nhận định
rằng dòng mã độc gửi tin nhắn SMS hiện nay ẩn mình trong các ứng dụng
mạo danh một số tựa game nổi tiếng như Fruit Ninja, Flappy Bird,
Pikachu… Đồng thời, một lượng lớn mã độc cũng đã được phát tán thông qua
các phần mềm hack/crack game hoặc phần mềm xem phim, ảnh sex... Khi cài
các ứng dụng này, người dùng sẽ bị mất tiền do mã độc tự động gửi tin
nhắn đến các đầu số CP giá cao ở Việt Nam.
Theo các nhà phân tích
bảo mật, tội phạm mạng đã giải mã các tập tin *.APK (tập tin cài đặt của
Android) và chèn vào đó các đoạn mã gây hại rồi đóng trở lại. Sau đó,
chúng tải lên internet, thậm chí cho lên các kho ứng dụng chính thống
như Google Play hay Apple App Store, để người dùng tải về.
Cần đề phòng tối đa
Sở dĩ số người dùng
Việt Nam dính mã độc này ngày càng tăng cao là do thói quen xài ứng dụng
“chùa” được chia sẻ tràn ngập trên mạng. Tốc độ lan truyền của ứng dụng
mã độc rất nhanh. Nếu dính phải tin nhắn gửi đến từ các CP trong nước,
người dùng sẽ bị trừ 5.000-15.000 đồng, còn tin SMS đến tổng đài nước
ngoài thì phải chịu mất 2 USD. Đại diện hãng bảo mật Kaspersky Lab Việt
Nam nhìn nhận: “Đa số ứng dụng di động độc hại nhắm mục tiêu chủ yếu là
ăn cắp tiền và dữ liệu cá nhân của người dùng”.
Để tránh bị lây nhiễm
các ứng dụng độc hại, đại diện Kaspersky Lab Việt Nam khuyên người dùng
không kích hoạt tính năng “developer mode” trên ĐTDĐ; không kích hoạt
tùy chọn cho phép cài đặt ứng dụng từ nguồn thứ ba, chỉ cài đặt ứng dụng
từ những nguồn chính thức. Khi cài đặt ứng dụng mới, người dùng cần cẩn
thận xem kỹ các quyền mà ứng dụng yêu cầu và sử dụng phần mềm bảo mật
cho thiết bị di động. Người dùng chỉ nên tải ứng dụng từ các kênh
chính thống như chợ ứng dụng Google Play (Android), iTunes App Store
(Apple), Windows Phone Store (Windows Phone); hoàn toàn không nên tải
các ứng dụng về từ các kho ứng dụng lậu, crack hay các nguồn khác từ
mạng internet không rõ nguồn gốc.
Trao đổi với phóng
viên, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena TP
HCM, băn khoăn: “Với người dùng bình thường, việc nhận biết smartphone
có bị nhiễm mã độc hay không là rất khó. Vì thế, người dùng nên tự trang
bị kiến thức về các loại mã độc nguy hiểm này. Smartphone nên cài những
chương trình anti-virus nhằm ngăn chặn mã độc xâm nhập. Để ngăn ngừa
nguy cơ mất tiền từ tin nhắn, người dùng không nên download và cài đặt
các chương trình lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không đưa smartphone
hay tablet cho các đơn vị không có uy tín cài đặt phần mềm, ứng dụng
crack…”.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó
Chủ tịch phụ trách nghiên cứu phát triển của Bkav, cho biết: “Chỉ trong 5
tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã ghi nhận hơn 1,8 triệu ứng dụng chứa
mã độc hại được tung lên các chợ ứng dụng. Xu thế tội phạm mạng chuyển
hướng tấn công sang các thiết bị di động ngày càng rõ nét. Virus trên
mobile đã đến thời kỳ bùng nổ”. Bkav khuyến cáo để phòng chống mã độc,
người dùng tuyệt đối không cài phần mềm từ nguồn không rõ ràng. Tốt
nhất, người dùng nên cài thường trực phần mềm chống virus cho ĐTDĐ của
mình.
Ngay sau khi nhóm lừa
đảo adrocket.vn ở Hà Nội bị bắt, các nhà mạng như Viettel, MobiFone,
Vinaphone đã phải rà soát lại các đầu số mà nhóm này sử dụng. Các nhà
mạng cho biết sẽ cắt hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung sử
dụng phần mềm gián điệp tự động nhắn tin đến các đầu số để chiếm đoạt
tiền của thuê bao ĐTDĐ.